Gần đây, nhiều người đồn thổi phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm khỏi ngay sau mũi tiêm đầu tiên có đúng không? Đây là thắc mắc của rất nhiều độc giả khi nhắc đến phương pháp mới này. Nếu bạn cũng đang thắc mắc về vấn đề này và chưa tìm được lời giải đáp thì đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây nhé!
Phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm là gì?
Ozone là một chất khí thường tồn tại trong khí quyển và được tạo ra do tác dụng của tia UV trong ánh sáng mặt trời với oxy. Ozone y tế là hỗn hợp của oxy và ozone, với nồng độ thay đổi tùy theo cách nó được sử dụng.
Ozone Discectomy (hoặc ozonucleolysis) là thủ thuật được sử dụng để giảm đau lưng và chân do thoát vị đĩa đệm bằng cách tiêm ozone vào xung quanh đĩa đệm. Thủ thuật này là giải pháp thay thế cực kỳ hiệu quả cho phẫu thuật để điều trị đau lưng, chân hoặc cánh tay do thoát vị đĩa đệm thắt lưng, cổ.
Liệu pháp ozone cho kết quả tốt, không xâm lấn và không gây ra những biến chứng lớn so với các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm khác (vi phẫu, cắt bỏ nội soi, cắt bỏ qua da, phẫu thuật mở thông thường). Bởi vậy mà liệu pháp này trở thành lựa chọn điều trị có khả năng thay đổi cuộc sống của vô số người bị đau lưng và chân do thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy (glycosaminoglycan) bên trong thoát ra ngoài, giải phóng các chất gây viêm, làm tổn thương thần kinh do mất myelin, chèn ép cơ học lên rễ thần kinh, giảm tưới máu (thiếu oxy) và ứ trệ tĩnh mạch.
Cơ chế hoạt động của phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm là kích thích nguyên bào sợi, giảm thể tích đĩa đệm bằng cách phá vỡ chuỗi liên kết glycosaminoglycan, làm mất nước nhân đĩa đệm, khiến cho khối nhân nhầy bên trong đĩa đệm co lại, giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép, giảm thể tích đĩa đệm. Đồng thời, ức chế quá trình viêm, ức chế phospholipase A2, prostaglandin E2, tăng chuyển hoá các cytokine chống viêm (IL-4, IL-10, IL-11, IL-13), giảm chèn ép cơ học, giảm ứ trệ tĩnh mạch, tăng tưới máu từ đó cải thiện tình trạng đau nhức cột sống hiệu quả.
Phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm khỏi ngay sau mũi tiêm đầu tiên có đúng không?
Với những người trẻ tuổi, đĩa đệm mới thoát vị ở giai đoạn nhẹ, còn nhiều chất bôi trơn, khi áp dụng phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm vào sẽ làm đông vón các protein ở nhân đĩa đệm, về lâu dài sẽ giúp co hồi một phần đĩa đệm cộng thêm chống viêm, từ đó giảm chèn ép lên dây thần kinh, giảm đau. Tuy nhiên, với người già, phương pháp này rất hạn chế, do đĩa đệm đã bị xơ rách. Theo nhận xét của một số chuyên gia, tỷ lên bệnh nhân đáp ứng, giảm đau sau mũi tiêm đầu tiên là 60-70%, sau mũi thứ 2, tỷ lệ này nâng lên 80%. Cũng theo nhiều chuyên gia, nếu tiêm corticoid truyền thống, người bệnh có thể hết đau ngay, nhưng khi tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm phải 2-3 mũi mới thấy hiệu quả.
Phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm chủ yếu dùng cho các bệnh nhân trẻ bị thoái hoá, đau xương khớp ở giai đoạn thứ 2 (giai đoạn đầu dùng thuốc, giai đoạn 3 phẫu thuật). Thời gian thực hiện chỉ khoảng 30 phút. Bác sĩ sẽ tiêm 5-10 ml ozone tiệt trùng qua da cho bệnh nhân. Thường bệnh nhân sẽ đỡ đau sau khoảng 1 tuần.
Như vậy, thông tin phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm khỏi ngay sau mũi đầu tiên là chưa hoàn toàn chính xác. Phương pháp này thực chất là giúp co nhỏ khối thoát vị, giảm chèn ép lên rễ thần kinh từ đó cải thiện triệu chứng đau nhức chứ không thể chữa khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này cũng không tác động vào căn nguyên gây thoát vị đĩa đệm, nên không thể ngăn chặn tái phát.
Tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm khỏi ngay sau mũi tiêm đầu tiên có đúng không?
Ưu, nhược điểm của phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm là gì?
Phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm là biện pháp điều trị xâm lấn tối thiểu với chi phí không đáng kể và ít tác dụng phụ.
Ưu điểm:
- Kỹ thuật thực hiện tương đối dễ dàng.
- Cho đến hiện tại vẫn chưa phát hiện trường hợp nào gặp phải biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
- Không rạch.
- Không để lại sẹo.
- Không gây mê toàn thân.
- Không cần nằm viện (thủ tục chăm sóc ban ngày).
- Thời gian phục hồi ngắn hơn.
- Nghỉ làm trong thời gian ngắn.
Nhược điểm
- Vẫn có các cơn đau tái phát.
- Phương pháp mới, hiện số người sử dụng vẫn còn ít nên chưa có số liệu thống kê chính xác về những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
- Chỉ định hạn chế hơn so với phương pháp tiêm corticosteroid truyền thống.
Ưu nhược điểm của phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm là gì?
Đối tượng nào nên và không nên áp dụng phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm?
Những người nên sử dụng phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm:
- Đau lưng, chân và hoặc cánh tay/vai rất nghiêm trọng do thoát vị đĩa đệm.
- Tình trạng đau nhức không thuyên giảm sau 4 tuần điều trị bảo tồn (nghỉ ngơi, thuốc giảm đau, vật lý trị liệu).
- Thoát vị đĩa đệm thắt lưng hoặc cổ được chẩn đoán chính xác bằng chụp MRI hoặc CT.
Những người không nên sử dụng phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm:
- Đau lưng nhưng khi chụp MRI/CT cho thấy đĩa đệm vẫn bình thường, không bị tổn thương.
- Mắc ung thư hoặc các khối u cột sống khác.
- Bị lao hoặc các bệnh nhiễm trùng cột sống khác.
- Hẹp ống sống nghiêm trọng do những thay đổi thoái hóa ở cột sống và đĩa đệm.
- Thoái hóa đốt sống (độ 2 hoặc độ 3) gây mất ổn định cột sống.
Sau khi áp dụng phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm cần lưu ý gì?
- Nên nghỉ ngơi trên giường trong 48 giờ đầu tiên.
- Nên đi bộ 10-15 phút kể từ ngày thứ 3.
- Hoạt động nhẹ nhàng từ ngày thứ 6.
- Không được phép cúi người về phía trước và nâng tạ trong 4 tuần.
- Các bài tập cột sống chỉ được bắt đầu sau 3 tuần và sau khi hỏi ý kiến bác sĩ.
Những thông tin xung quanh phương pháp tiêm ozone chữa thoát vị đĩa đệm đã được giải đáp chi tiết trong bài viết trên. Hy vọng đã giúp độc giả giải đáp được những thắc mắc của mình về phương pháp này.