Gai đôi đốt sống lưng là gì? Có nguy hiểm không?

Những năm trước, gai đôi đốt sống lưng là bệnh lý hiếm gặp. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, bệnh có xu hướng gia tăng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy bệnh gai đôi đốt sống lưng là gì? Mức độ nguy hiểm như thế nào? Cùng tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Gai đôi đốt sống lưng là gì?

Gai đôi đốt sống lưng là dị tật bẩm sinh, xảy ra trong quá trình phát triển của phôi thai trong bụng mẹ, do ống thần kinh và xương sống trên dây thần kinh không được khép kín hoàn toàn, khiến phần tủy sống không có sự che chắn, bảo vệ. Số liệu thống kê cho thấy, cứ 2000 trẻ thì có 4 bé bị gai đôi cột sống. Bệnh thường xảy ra ở vị trí L5 và S1.

Có 3 loại gai đôi cột sống:

- Gai đôi đốt sống ẩn.

- Gai đôi đốt sống có nang.

- Gai đôi đốt sống thoát vị màng não.

>>> XEM THÊM: Gai cột sống là gì? Chữa có khó không?

Triệu chứng gai đôi đốt sống lưng như thế nào?

Tùy thuộc vào từng loại gai đôi đốt sống lưng mà các triệu chứng và mức độ có thể khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp mà bạn cần biết:

- Đau ở vùng thắt lưng, nếu dùng tay ấn vào vị trí đốt sống này thì càng thấy đau tăng lên.

- Hạn chế khả năng vận động, đau nhói vùng cột sống lưng, lan xuống chân.

- Cơ cạnh cột sống thắt lưng bị co cứng.

- Mất đường cong sinh lý. 

Với các trường hợp bị gai đôi đốt sống lưng ẩn, thường khó phát hiện và không có bất kỳ dấu hiệu đau nhức hay khuyết tật nào. Chỉ đến khi chụp X-quang mới có thể phát hiện ra. Những người thường xuyên phải làm việc nặng, bê vác nhiều sẽ tác động một lực lớn lên các gai đôi ẩn này, gây ra các biến chứng làm khởi phát bệnh. Do đó, gai đôi đốt sống thường được phát hiện ở độ tuổi trưởng thành và lao động. Còn các trường hợp bị gai đốt sống có nang, người bệnh rất dễ có nguy cơ khuyết tật tại vị trí tủy sống, dị dạng xương hoặc màng não, rối loạn chức năng tiết niệu, đường ruột. Với trường hợp bị gai đốt sống thoát vị màng não có thể biểu hiện tê liệt bàng quang hoặc rối loạn chức năng đường ruột.

Nguyên nhân gây bệnh gai đôi đốt sống lưng

Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra bệnh gai đôi đốt sống lưng vẫn chưa được xác định chính xác. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây bệnh có thể là do di truyền, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường xung quanh, khi mang thai (người mẹ không cung cấp đủ lượng acid folic qua chế độ ăn uống, dẫn đến thiếu vi chất này, làm xuất hiện gai đôi cột sống và dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh).

>>> XEM THÊM: Bị gai cột sống nên uống sữa gì để đảm bảo sức khỏe?

Gai đôi đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Gai đôi đốt sống là bệnh lý nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cột sống và gây khuyết tật. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí bị gai đôi đốt sống lưng mà các triệu chứng cũng như mức độ nguy hiểm có thể khác nhau. Đối với trẻ em, gai đôi đốt sống sẽ đè nén lên tủy sống, gây ra hàng loạt biến chứng bao gồm: Khó khăn khi bú, nuốt, bị nghẹt thở, hạn chế khả năng vận động vùng cánh tay, chân. Nghiêm trọng hơn, một số trẻ em sơ sinh bị gai đôi đốt sống có thể để lại di chứng viêm màng não, nhiễm trùng ở màng não, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nguy hiểm hơn như:

- Biến dạng đường cong sinh lý: Thường xảy ra ở những trường hợp bị gai đôi đốt sống S1, khiến các cơ tại cột sống thắt lưng co cứng bất thường, dẫn đến biến dạng đường cong sinh lý. Đồng thời, việc này cũng làm máu khó lưu thông, ảnh hưởng đến sự tiếp nhận thông tin từ các cơ quan đến não bộ, gây rối loạn về cảm giác.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về cột sống khác: Khi gai đôi xương mọc dài ra sẽ cọ sát vào cơ, mô sụn hay bao xơ đĩa đệm, chèn ép lên rễ thần kinh, khiến những khu vực này bị tổn thương, gây thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa,…

>>> XEM THÊM: Gai cột sống và phương pháp điều trị từ tự nhiên

Chữa gai đôi đốt sống như thế nào?

Do nguyên nhân gây gai đôi đốt sống chưa được xác định rõ, nên hiện tại vẫn chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị bệnh lý này chủ yếu là:

- Trước mắt: Giảm đau, chống viêm, cải thiện khả năng vận động.

- Lâu dài: Bổ sung dinh dưỡng giúp cột sống chắc khỏe, ngăn chặn biến chứng.

Dưới đây là một số phương pháp giúp phòng ngừa và cải thiện gai đôi đốt sống đang được áp dụng:

Dùng thuốc

Các thuốc thường được sử dụng là giảm đau, kháng viêm không steroid có thể làm giảm triệu chứng tạm thời. Lưu ý: Phụ nữ có ý định mang thai thì nên uống bổ sung acid folic để tránh nguy cơ con mắc gai đôi đốt sống bẩm sinh.

Vật lý trị liệu

Các biện pháp vật lý trị liệu như: Hồng ngoại, sóng ngắn, chườm nóng, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt,… cũng góp phần làm giảm cảm giác đau hiệu quả, an toàn.

Phẫu thuật

Chỉ được áp dụng khi bệnh gai đôi cột sống ở giai đoạn quá nặng, các phương pháp khác không còn tác dụng nữa. Bởi chi phí thường rất cao và có nguy cơ gặp nhiều rủi ro trong hoặc sau phẫu thuật.

Luyện tập thể dục thể thao

Việc tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức khỏe toàn trạng mà còn góp phần làm giảm các cơn đau nhức do gai đôi đốt sống gây ra. Một số môn thể thao bạn có thể áp dụng như: Đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga,...

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt khoa học

Với những người bị gai đôi đốt sống, nên bổ sung các thực phẩm giàu acid folic như ngũ cốc, đậu, măng tây, rau sẫm màu, hải sản,… Đồng thời, tránh thức khuya, nghỉ ngơi đúng giờ, không lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...

Tuy rằng, gai đôi đốt sống lưng là bệnh lý bẩm sinh, chưa có phương pháp chữa dứt điểm. Nhưng nếu hiểu rõ về bệnh, có biện pháp chăm sóc, kiểm soát đúng cách thì sẽ ngăn chặn nguy cơ tiến triển hiệu quả.