Bị thoái hóa cột sống – Nỗi lo của phụ nữ tiền mãn kinh

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ dễ bị thoái hóa cột sống. Đây là nỗi lo của hầu hết các chị em trong độ tuổi này. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc nội tiết tố nữ estrogen bắt đầu suy giảm đáng kể do quá trình hoạt động của buồng trứng diễn ra chậm chạp. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tại sao phụ nữ tiền mãn kinh dễ bị thoái hóa cột sống?

Cột sống là vùng hoạt động nhiều và chịu áp lực lớn từ cơ thể; nên quá trình thoái hóa ở cột sống thường diễn ra sớm hơn và phổ biến hơn. Theo các chuyên gia, bệnh thoái hóa cột sống thường gặp ở người trung hoặc cao niên, đặc biệt là nữ giới ở độ tuổi tiền mãn kinh trở đi. Nguyên nhân là do nội tiết tố và sinh lý thay đổi, cộng với chế độ dinh dưỡng và thói quen làm việc thiếu khoa học.

Chúng ta đều biết cột sống được xem là bộ phận có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Các xương trên cột sống kết hợp với hệ thống dây chằng và đĩa đệm giúp bảo vệ tủy sống. Cột sống cũng là nơi gặp nhiều trục trặc, dễ mắc bệnh thoái hóa cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng.

Theo các chuyên gia y học, từ độ tuổi 30 trở đi, xương khớp của phụ nữ bắt đầu bước vào quá trình thoái hóa (lượng xương giảm từ 0,25 – 1% mỗi năm). Đến tuổi 40-50 là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, lượng hormone estrogen giảm mạnh, nên tốc độ thoái hóa xương lại càng tăng cao (lượng xương mỗi năm giảm 1-5%) với dấu hiệu xốp xương, loãng xương… Trong đó, đối tượng phụ nữ tuổi trung niên có nguy cơ bị bệnh thoái hóa cao gấp đôi đàn ông.

Khi nồng độ nội tiết tố nữ estrogen suy giảm mạnh sẽ dẫn tới sự thiếu hụt collagen – thành phần chính của sụn khớp, cơ, và dây chằng; khiến các đốt sống bị bào mòn và thoái hóa. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt estrogen còn làm giảm lượng canxi và phospho, gây giảm khối lượng xương của cơ thể.

Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt và tư thế lao động nặng cũng là nguyên nhân chính làm quá trình thoái hóa cột sống diễn ra nhanh hơn. Theo thống kê tại các cơ sở y tế, hơn 50% các ca bệnh về thoái hóa cột sống ở phụ nữ là dân văn phòng hoặc công nhân phải ngồi làm việc liên tục với tư thế không thoải mái.

Ban đầu, các chị em phụ nữ thường đau mỏi nhẹ vùng cột sống. Dần dần tần suất đau mỏi tăng lên. Cơn đau càng tăng khi lao động, bê vác các vật nặng. Trường hợp nặng, rễ dây thần kinh bị chèn ép, khiến người bệnh đau tê nhức từ thắt lưng xuống bắp chân và bàn chân, khiến việc đi lại và vận động rất khó khăn, lâu dài gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Phòng ngừa thoái hóa cột sống tuổi tiền mãn kinh

Hiện tại chưa có loại thuốc hay phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa cột sống. Các phương pháp chỉ có tác dụng giảm sưng đau các vùng cột sống bị tổn thương và duy trì vận động. Do vậy bạn cần phòng tránh thoái hóa cột sống càng sớm càng tốt bằng các biện pháp sau:

– Khi đến độ tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh phụ nữ cần đi khám định kỳ tại cơ sở chuyên về xương khớp để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

– Khi bị đau lưng, không nên tự ý uống thuốc giảm đau bởi nếu lạm dụng sẽ gây các tác dụng phụ như phù tay chân, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận… Nguy hiểm hơn nữa là sẽ làm lu mờ triệu chứng và bệnh nặng thêm do không được điều trị từ gốc khiến sụn, đĩa đệm bị hư hại nhanh hơn, nguy cơ tàn phế sớm hơn.

– Luyện tập thể dục thể thao một cách đều đặn với các bài tập tốt cho hệ xương khớp như yoga, thái cực quyền, các bài tập dưỡng sinh, để tránh cứng khớp.

– Bổ sung đủ chất đặc biệt là canxi, magie, Vitamin D bằng cả việc ăn uống kết hợp hoạt động ngoài trời, giúp làm tăng lượng vitamin D3 tổng hợp ở tế bào da.